Ca khúc: Vang ca ngày pháp luật Việt Nam

Kính thưa quý Thầy Cô cùng toàn thể các bạn học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, trong khuôn khổ thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2022. Hôm nay, ngày 8/11/2022, Ban truyền thông Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn xin giới thiệu đến quý Thầy Cô cùng các bạn học sinh bài viết nhan đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền pháp luật Việt Nam” của tác giả Minh Châu, kính mời quý Thầy Cô và các bạn cùng lắng nghe!

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền pháp luật Việt Nam

Minh Châu

 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ không chỉ tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)… mà Người còn quan tâm, đặt nền tảng cho việc xây dựng nền pháp luật Việt Nam nghiêm minh, kỷ cương, phép nước.

 

Theo Hồ Chí Minh, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là pháp luật thật sự dân chủ và nó bảo vệ quyền dân chủ tự do rộng rãi cho nhân dân lao động. Bảo vệ quyền tự do của mọi người, để thực hiện được nhiệm vụ đó, Nhà nước phải thực sự của dân, chăm lo đến lợi ích của nhân dân. Người đã khẳng định: "Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ" 1. Bản chất dân chủ của pháp luật kiểu mới là hệ thống pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, nó bảo vệ quyền lợi cho hàng chục triệu người lao động, pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh sớm ý thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý Nhà nước bằng Hiến pháp và pháp luật. Năm 1919, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp Hội nghị Vécxây để chia lại thị trường thế giới. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Hồ Chí Minh (ký tên Nguyễn Ái Quốc ) gửi đến Hội nghị bản “ Yêu sách của nhân dân An Nam” đòi các cường quốc thừa nhận quyền tự do bình đẳng của nhân dân An Nam, Người đã nêu rõ: “Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cùng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt luật pháp như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam”.  “Bản Yêu sách” gồm 8 điểm sau:

1. Ân xá cho tất cả chính trị phạm người bản xứ;

2. Cải cách nền công lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về pháp luật như người Châu Âu, xóa bỏ hoàn toàn và triệt để các tòa án đặt biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

3. Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận;

4. Quyền tự do lập hội và hội họp;

5. Quyền tự do xuất ngoại và đi du lịch nước ngoài;

6. Quyền tự do giáo dục, thành lập các trường kỷ thuật chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Năm 1922, Người chuyển thể các nội dung của bản Yêu sách này thành bài “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó toát lên tinh thần pháp luật của bản Hiến pháp:

“ Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Theo Bác, “thần linh” được Bác nói ở đây không phải là một sức mạnh siêu nhân nào đó, mà là sức mạnh của nền dân chủ của Nhà nước pháp quyền. Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thiếu pháp luật. Vì pháp luật là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế.

          Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị bầu ngay Quốc hội càng sớm, càng tốt, rồi nhanh chóng chỉ đạo ban hành Hiến pháp dân chủ đầu tiên.

 Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa bảo đảm được việc thực thi quyền lực của nhân dân. Người luôn chăm lo hoàn thiện hệ thống pháp luật, ở cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã hai lần đứng đầu ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946 và 1959), đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác.

Có thể nói, “Phép trị nước” của Hồ Chí Minh là kết hợp cả “pháp trị” và “đức trị - nhân trị”, trong đó “pháp trị” rất nghiêm khắc, công minh và “đức trị - nhân trị” cũng rất tình người, bao dung, thấu tình đạt lý. Trong Quốc lệnh do Người ban hành ngày 26-01-1946, đã đưa ra 10 điều khen thưởng (đức trị) và 10 hình phạt (pháp trị). Trong 10 điều khen thưởng, Điều 3 “Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng”, Điều 5 “Ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng”, Điều 6 “Ai làm việc gì có lợi cho nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng”. Trong 10 điều hình phạt, Điều 1 “Thông với giặc, phản quốc sẽ bị xử tử”, Điều 6 “Để cho bộ đội hại dân sẽ bị xử tử”, Điều 8 “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”.

Song điều mà Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn là tính hiệu lực của Hiếp pháp, pháp luật trong thực tế cuộc sống. Người yêu cầu từ Chủ tịch nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân đều phải làm theo luật. Những cán bộ, đảng viên mà vi phạm, Người xử lý rất nghiêm khắc, kể cả những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.Ví dụ điển hình có trường hợp phạm trọng tội và Bác Hồ đã y án tử hình với tội nhân là Trần Dụ Châu - Đại tá , Cục Trưởng Quân nhu can tội bớt xén ăn cắp tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ để ăn chơi sa đọa. Tòa án Binh Tối cao mở phiên tòa xét xử Trần Dụ Châu bị tuyên án tử hình. Sau đó, Trần Dụ Châu đã gửi đơn lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin tha tội chết. Dù rất đau lòng nhưng với cương vị là Chủ tịch nước lúc bấy giờ, Bác đã dựa vào luật pháp nước ta đã ban hành, ký lệnh bác đơn chống án của Trần Dụ Châu mà nghiêm khắc với trường hợp phạm tội. Qua đó cho thấy, Bác rất yêu thương đồng chí mình. Nhưng cán bộ đảng viên nào làm hại đến tính mệnh và tài sản của Nhân dân, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Đảng, Nhà nước thì dù đó là cán bộ đảng viên ở cấp bậc cao đi nữa, Bác dựa vào pháp luật để thi hành hành pháp luật sao cho công bằng, thể hiện tính nghiêm minh, không vì động cơ cá nhân mà bỏ qua việc phạm tội của Đại tá Trần Dụ Châu.

Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay tới việc cần phải sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.

Lần này, Bác lại được Quốc hội bầu làm Trưởng Ban Dự thảo Hiến pháp. Bác đã làm Chủ tọa nhiều cuộc họp của Ủy ban để thảo luận những vấn đề  về Dự thảo Hiến pháp và sau đó, bản Hiến pháp của thời kỳ mới ra đời- Hiến pháp sửa đổi năm 1959. Hai bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp sửa đổi 1959 thấm đượm dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh về các nhân tố Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng lúc bấy giờ.

Bên cạnh việc xây dựng nền pháp luật Việt Nam, gắn với tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu  đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp. Những yêu cầu của Người đối với đội ngũ cán bộ, công chức đó là: Tuyệt đối trung thành với cách mạng. Hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Cán bộ, công chức phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, luôn luôn có ý thức và hành động vì sự lớn mạnh, trong sạch của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

Có thể nói những lời dạy, chỉ dẫn trên của Bác Hồ cách đây hơn 70 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và đề cao vai trò, tính nghiêm minh, kỷ cương của nền pháp luật Việt Nam nói riêng hiện nay.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Điều lệ Đảng, và Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của BCH Trung ương đảng về “Những điều đảng viên không được làm”…góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh gắn với hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

 

Nguồn: (1): Hồ Chí Minh-Toàn tập- NXB CTQG, HN, tập 4, trang.152.

 

 

 

VIDEO

BẢN ĐỒ VỊ TRÍ

WEBSITE LIÊN KẾT
THỐNG KÊ
0721223
Hôm qua 0382
Hôm nay 0364
Tuần này 1895
Tháng này 8521